PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VẸO CỘT SỐNG

Vẹo cột sống là tình trạng biến dạng về mặt giải phẫu của cột sống. Vẹo cột sống ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nặng hơn gây tổn thương các cơ quan lân cận, chức năng hô hấp, tim mạch hoặc các nội tạng khác. Điều trị vẹo bao gồm áo nẹp chỉnh hình, phục hồi chức năng và phẫu thuật. Trong đó,Phục hồi chức năng giúp điều trị và cải thiện vẹo cột sống.

1. VẸO CỘT SỐNG LÀ GÌ?

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong vẹo bất thường sang một bên phải hoặc trái của xương sống. Sự cong vẹo có thể trên 1 hoặc nhiều đoạn cột sống. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, vận động và biến chứng lâu dài.


Vẹo cột sống gồm vẹo cấu trúc và vẹo không cấu trúc. Hình dạng vẹo cột sống gồm vẹo chữ C ( thuận, nghịch), vẹo chữ S.

2. NGUYÊN NHÂN GÂY VẸO CỘT SỐNG
Nguyên nhân vẹo cột sống do bẩm sinh, di truyền từ bố mẹ hoặc trong có yếu tố nguy cơ trong lúc mang thai. Đối với trẻ em vẹo cột sống có thể do tư thế ngồi học không đúng, kích thước bàn học không phù hợp. Mang vác vật nặng trong thời gian dài đối với cong vẹo cột sống ở người lớn,…

3. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH NHÂN VẸO CỘT SỐNG
Sử dụng phối hợp vật lí trị liệu và tập phục hồi chức năng đối với góc COBB <40 đạt hiệu quả cao.
3.1 Các phương pháp VLTL và PHCN

  • Nhiệt nóng giúp tăng tuần hoàn máu, giãn cơ, tăng lưu thông ở vùng cơ co cứng.
  • Dòng điện kích thích qua gia giúp giãn cơ, làm mạnh nhóm cơ yếu cho chèn ép.
  • Dàn treo PTS: dàn treo chuyên biệt giúp điều chỉnh đốt sống, đường cong cột sống.
  • Dàn tập FTS: Hệ thống dàn tập FTS giúp tăng cường sức mạnh cơ, điều chỉnh, lượng giá sai lệch cột sống.
  • Tập vận động nhằm làm mạnh các cơ ở các phía, điều chỉnh tư thế cột sống.
  • Kéo giãn cột sống giúp kéo tách các đốt sống, làm giãn cấu trúc dây chằng, cơ hỗ trợ tập vận động đạt hiệu quả.


3.2 Một số bài tập vẹo cột sống
a. Các bài tập ở tư thế nằm ngửa:

  • Bệnh nhân nằm ngửa, co hai chân, tỳ gót và vai xuống giường nâng mông lên đưa mông sang phía cột sống cong lồi đặt xuống giường, rồi nâng mông đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa mông về phía cột sống cong lồi hai lần thì đưa mông về phía cột sống cong lõm một lần. Lặp lại động tác này 10 lần.
  • Bệnh nhân nằm ngửa, gập gối, nâng mông lên cao hình cầu vồng giữ trong 5-10 giây rồi đặt mông xuống giường. Làm lại động tác 10 lần.
  • Bệnh nhân nằm ngửa, gập gối, nâng mông lên cao rồi đưa mông sang phải đặt xuống giường sau đó nâng mông đưa mông về bên trái. Lặp lại động tác 10 lần.

b. Các bài tập ở tư thế nằm nghiêng:

  • Bệnh nhân nằm nghiêng bên phía cột sống cong lõm, góc lồi cột sống ở phía trên. Chống tay phía dưới đỡ bàn tay vào đầu trong khi người vẫn giữ ở tư thế thẳng, chân dưới duỗi, chân trên co, giữ 5 – 10 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.
  • Bệnh nhân nằm nghiêng như trên trong tư thế thân người thẳng. Kỹ thuật viên đứng trước mặt bệnh nhân, dùng tay phía chân bệnh nhân luồn xuống dưới đỡ chân bệnh nhân, bàn tay đặt vào đùi phía dưới của bệnh nhân, tay kia của kỹ thuật viên cố định bờ sườn phía trên của bệnh nhân, rồi nâng chân bệnh nhân lên để kéo giãn cột sống phía lõm, giữ 5 giây rồi đặt về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 10 lần.

c. Các bài tập ở tư thế nằm sấp:

  • Bệnh nhân nằm sấp, tay phía cột sống lõm giơ thẳng lên phía đầu, tay phía cột sống cong lồi duỗi thẳng với xuống gối cùng bên, đầu nghiêng nhìn theo tay, giữ 5 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.
  • Bệnh nhân nằm sấp, hai tay duỗi thẳng đặt hình chữ V lên phía đầu. Kỹ thuật viên dùng một tay đỡ hai bệnh nhân bàn tay đặt mặt dưới đùi nâng khung chậu lên khỏi mặt giường, tay kia cố định bờ sườn phía cột sống cong lồi rồi đưa chân bệnh nhân về phía lồi để kéo giãn cơ bên cột sống cong lõm, giữ 5 giây rồi đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa chân bệnh nhân về phía cột sống cong lồi hai lần thì về phía cột sống cong lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.
  • Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng phía đầu bệnh nhân nắm lấy hai cánh tay bệnh nhân. Hai tay duỗi thẳng nắm lấy cánh tay kỹ thuật viên. Kỹ thuật viên nâng nhẹ nửa người trên của bệnh nhân lên đưa sang bên cột sống cong lồi hai lần, đưa sang bên cột sống cong lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.

4. PHÒNG NGỪA CONG VẸO CỘT SỐNG
Cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sức mạnh khối cơ, các tổ chức liên kết, dây chằng, khớp, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ cần chú ý dinh dưỡng đủ protein, vitamin D, canxi, ngồi học đứng tư thế, đủ ánh sáng, không mang cặp nặng trên 15% trọng lượng cơ thể.

Vẹo cột sống là tình trạng dị bất thường về cấu trúc giải phẫu của cột sống, để lại những biến chứng dị tật lâu dài, ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Tầm soát định kì và điều trị sớm là lựa chọn hàng đầu đối với người có nguy cơ vẹo cột sống.