PHỤC HỒI CHỨC NĂNG XƠ HÓA CƠ DELTA

Xơ hoá cơ Delta là tình trạng bệnh lý khi một phần hoặc toàn bộ cơ Delta bị xơ hoá gây ảnh hưởng đến chức năng vận động và thẩm mỹ khớp vai. Xơ hoá cơ thường kéo dài nhiều năm tháng, mang tính chất lan toả và hậu quả là các tế bào xơ thay thế tế bào cơ làm mất đi khả năng đàn hồi, gây co kéo và mất đi chức năng vận động của cơ. Phục hồi chức năng giúp giảm đau, lấy lại chức năng cơ bản của khớp vai.  

1. Xơ hoá cơ Delta là gì?

Xơ hoá cơ là một quá trình diễn biến từ từ, mà trong đó quá trình xơ hoá làm cho các tế bào cơ chuyển biến thành tế bào xơ do các tác nhân lý hoá như chấn thương gây đụng giập cơ, gây chảy máu tại chỗ, gây phù nề dẫn đến thiếu nuôi dưỡng tổ chức cơ, hoặc do các tác nhân hoá học làm thay đổi dinh dưỡng và chuyển hoá của tế bào cơ.

2. Nguyên nhân, triệu chứng Xơ hoá cơ Delta là gì?

2.1 Nguyên nhân: Chấn thương gây đụng dập cơ, chảy máu tại chỗ, phù nề.

2.2 Triệu chứng:

– Người bệnh không khép được cánh tay vào sát thân mình tư thế nghỉ.

– Hai khuỷu tay khó hoặc không chạm vào nhau khi cánh tay đưa ra trước và trong tư thế khuỷu gấp.

– Xương bả vai nhô cao và xoay ngoài ( biến dạng bả vai cánh chim).

– Thấy rõ lõm da dọc theo dải xơ hoặc sờ rõ dải xơ trên trục cơ Delta.

– Những trường hợp nặng thấy tình trạng bán trật khớp vai, biến dạng lưng ngực.

– Bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến teo cơ Delta, giảm chức năng vai, cánh tay.

3. Phục hồi chức năng xơ hoá cơ Delta như thế nào?

3.1 Vật lí trị liệu:

Nhiệt nóng: Sử dụng hồng ngoại, từ nhiệt rung, sóng ngắn sau mổ cơ Delta 72h và chuẩn bị trước luyện tập. Việc sử dụng nhiệt nóng giúp làm ấm tổ chức sâu tới 5cm, tăng tuần hoàn máu, giãn cơ, giúp cho việc tập luyện đạt hiệu quả. Ngoài ra giúp giảm sưng nề, máu tụ sau chấn thương, đồng thời bình thường hoá áp lực nội và ngoại mạch làm giảm phù nề, tăng chuyển hoá năng lượng.

Siêu âm: Giúp làm mở sẹo, tăng dinh dưỡng tổ chức, thúc đẩy phục hồi tổn thương.

Điện phân dẫn thuốc: giúp thay đổi độ thẩm thấu màng tế bào, giảm acid trong mô bào, tăng trao đổi chất, tổng hợp protein để tái tạo mô tổn thương.
Từ trường: hỗ trợ kháng viêm, tăng tuần hoàn máu ngoại vi.

Tập vận động tuân theo chỉ định bác sĩ và từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Tập luyện chủ yếu vào vùng khớp vai – tay, đầu xương cánh tay, tập vận động khép, xoay ngoài vai, cánh tay,…

3.2 Chế độ sinh hoạt:

Dinh dưỡng: Bổ sung thực phẩm giàu Omega-3, ngũ cốc nguyên hạt, các loại củ và quả hạch, ưu tiên chế biến dạng hấp, luộc. Các thực phẩm nên hạn chế như nội tạng động vật, rượu, thịt đỏ, các thực phẩm nhiều đường, muối.

Tập luyện: Hạn chế các động tác làm quá gập hoặc quá duỗi khớp vai, tăng cường xoa bóp chườm ấm tăng tốc độ phục hồi của bệnh. Ngoài ra, người bệnh cần tập thêm các động tác giúp mạnh khớp vai, mạnh nhóm cơ delta.

Xơ hoá cơ Delta là tình trạng tổn thương nhóm cơ delta gồm bó trước, bó giữa, bó sau bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể gây teo cơ, giảm chức năng khớp vai – cánh tay ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh. Bạn có thể đặt lịch khám tại chuyên khoa PHCN phòng khám Vĩnh Đức để được tư vấn và điều trị.