VẬT LÝ TRỊ LIỆU ĐIỀU TRỊ SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh tiếp tục tiến triển sẽ làm dòng máu động mạch tới nuôi chân cũng bị giảm theo.

Hậu quả là người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… Thậm chí, những trường hợp nặng hơn các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành…

Những biện pháp Vật lý trị liệu nào điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới?

  • Sóng ngắn: giúp giảm sưng nề và máu tụ, tăng dinh dưỡng tổ chức tại chỗ.
  • Laser: giúp giảm phù nề, tăng tái tạo tổ chức. Tăng tổng hợp collagen, tăng tái tạo mô. Giảm đau làm lành vết thương.
  • Điện phân dẫn thuốc: Giúp giảm mao mạch máu bị tắt do viêm, tăng vi tuần hoàn máu cục bộ và trao đổi chất, tăng độ đàn hồi của cơ. Giảm nhanh phù nề, sưng tấy. Tăng trao đổi chất, tổng hợp protein để tái tạo mô bị tổn thương. Tăng khả năng sản sinh lại collagen, khử tích nước ở các mô bị viêm mãn tính.
  • Từ trường: Chống viêm, giảm đau, giảm phù nề. Tăng tuần hoàn máu ngoại vi. Điều hòa hoạt động thần kinh thực vật. Giảm độ nhớt máu, hạn chế kích thích tiểu cầu.
  • EUS: Giảm đau cục bộ, điều trị xơ cứng.
  • Tập vận động: Giảm sưng phù, giảm đau. Gia tăng tuần hoàn, gia tăng sức mạnh các cơ. Giảm kết dính mô sẹo, gia tăng tầm vận động khớp.
  • Các dòng điện xung: có tác dụng giảm đau, giảm phù nề do tăng tuần hoàn và tăng trao đổi chất do giãn mạch máu.
  • Nén ép trị liệu: thúc đẩy lưu thông máu và bạch huyết.

Ngoài ra, bệnh nhân cần áp dụng những biện pháp sau để nhanh hồi phục:

  • Xoa bóp nhẹ nhàng đẩy máu về tim.
  • Tập các bài tập vận động chủ động tự do các khớp háng, gối, cổ chân trong tư thế nâng cao chân hay duỗi thẳng chân lên phía trên.
  • Tránh ngồi, đứng liên tục, lâu, nên vận động thay đổi tư thế khoảng từ 30 đến 60 phút một lần, có thể phối hợp các bài tập vận động chân để giúp máu được lưu thông tốt hơn.
  • Luyện tập cách đi bộ nhanh, hít thở đều và sâu, có khoảng nghỉ giãn cách.
  • Khi ngủ nên kê cao chân.
  • Chế độ ăn giàu trái cây rau tươi nhiều vitamin, nhiều chất xơ,… hạn chế ăn nhiều thịt cá và tinh bột.
  • Tránh táo bón và béo phì.