PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LAO PHỔI

1. LAO PHỔI LÀ GÌ ?

Lao phổi là thể bệnh gặp nhiều nhất trong bệnh học lao, chiếm 80% trong số bệnh lao, là nguồn lây vi khuẩn cho những người lành nhiều nhất.Bệnh cảnh lâm sàng của lao phổi rất đa dạng và thường diễn biến mạn tính, chủ yếu do vi khuẩn lao người (M.Tuberculosis Hominis). Lao phổi thường hay bắt đầu từ vùng đỉnh phổi và vùng dưới đòn.

2. TRIỆU CHỨNG LAO PHỔI:

Phổi là cơ quan dễ mắc lao nhất, chiếm tới 60% các trường hợp bị lao. Triệu chứng lao phổi điển hình như sau:

  • Triệu chứng ho thường kéo dài hơn 3 tuần (ví dụ như bị ho khan, ho đờm hoặc ho ra máu). Đây là một triệu chứng vô cùng quan trọng có liên quan đến căn bệnh lao phổi.
  • Người bệnh có thể bị đau ngực, thỉnh thoảng sẽ cảm thấy khó thở.
  • Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
  • Cơ thể người bệnh thường bị đổ mồ hôi trộm, đặc biệt vào ban đêm.
  • Thường bị sốt nhẹ hoặc bị ớn lạnh khi trời về chiều.
  • Cảm thấy chán ăn, bị sụt cân nhanh chóng.

3. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ LAO PHỔI NHƯ THẾ NÀO ?

A. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

  • Giải thích để người bệnh hiểu biết về bệnh, tin tưởng vào khả năng điều trị và bớt lo lắng buồn phiền.
  • Người bệnh phải nghỉ ngơi hoàn toàn 2-3 tháng, ở nơi thoáng khí và đủ ánh sáng. Bệnh ổn định có thể vận động nhẹ nhàng, thể dục buổi sáng và trước khi ngủ.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
  • Tạo điều kiện yên tĩnh cho giấc ngủ người bệnh.
  • Chế độ ăn uống bồi dưỡng.

B. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

– Các dạng lao phổi cấp tính (lao thâm nhiễm, lao kê…) là những chống chỉ định của Vật lý trị liệu. Người bệnh khái huyết hoặc phổi có hang cần tránh tập thở để phổi nghỉ ngơi.

– Khi hết sốt, hết khạc đờm và đang được điều trị duy trì bằng thuốc chống lao, người bệnh có thể tập luyện điều độ để cải thiện thể lực. Chương trình tập gồm: vận động thân thể nhẹ nhàng, tập thở, hoạt động trị liệu.

– Nếu có chỉ định phẫu thuật, Vật lý trị liệu có vai trò rất quan trọng.

+ Giai đoạn trước phẫu thuật, vận động trị liệu giúp người bệnh gia tăng thông khí, làm sạch các xuất tiết, tạo di động các khớp của lồng ngực, cột sống, đai vai, giữ tư thế tốt.

+ Giai đoạn sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn các phương pháp Vật lý trị liệu nhằm tránh các biến chứng phổi và tuần hoàn; tận dụng chức năng vùng phổi lành, làm giãn nở trở lại các vùng phổi xẹp; tống thải đờm dãi; gia tăng tính di động của khớp đai vai, lồng ngực và cột sống; tránh biến dạng xấu ảnh hưởng đến hô hấp; giúp người bệnh phục hồi sau mổ tới mức tốt nhất có thể được trong thời gian ngắn.

– Để đạt được mục đích trên, vận động hô hấp trị liệu sử dụng các phương thức như: dẫn lưu tư thế, vỗ và rung lồng ngực, tập ho có hiệu quả, thở cơ hoành, thở ngực và tập thư giãn.

– Với sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, người bệnh được tập chương trình cá nhân, theo nhóm và chương trình tại nhà khi ra viện.

C. Các điều trị hỗ trợ khác

– Các phác đồ điều trị lao.

– Phẫu thuật: Lao kháng thuốc, u lao có tổn thương khu trú, chức năng phổi tốt.

– Miễn dịch trị liệu: Lao phổi có vi khuẩn kháng thuốc + có rối loạn miễn dịch của cơ thể.

– Nâng cao thể trạng.

4. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM NHƯ THẾ NÀO ?

– Theo dõi diễn biến của triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm trong đó xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm là quan trọng nhất: sự âm hóa của vi khuẩn trong đờm là yếu tố cơ bản đánh giá.

– Theo quy định của chương trình chống lao quốc gia, xét nghiệm đờm vào tháng 2 (hoặc 3), tháng 5, tháng 7 (hoặc 8) trong quy trình điều trị.

LIÊN HỆ PHÒNG KHÁM VĨNH ĐỨC: