PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VIÊM MỎM TRÊN LỒI CẦU NGOÀI XƯƠNG CÁNH TAY

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (lateral epicondylitis) là tình trạng đau mặt ngoài khuỷu tay do tổn thương cấu trúc gân, dây chằng nối cẳng tay và khuỷu tay. Bệnh thường gặp ở những người chơi golf, tennis, hoặc cầm xách nặng 1 bên lâu ngày. Bên cạnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật, phục hồi chức năng giúp bệnh nhân giảm đau và cải thiện tổn thương nhanh chóng.

1. Viêm mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay là gì?

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là tình trạng đau, viêm một trong các gân cơ bám nơi mỏm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Bệnh thường gây ra tình trạng đau, sưng, đỏ bờ ngoài khuỷu tay, khiến việc cử động gập duỗi cẳng tay, các ngón tay gặp khó khăn. Bệnh có thể cấp tính hoặc không kịp thời điều trị sẽ trở thành mạn tính.

2. Nguyên nhân, triệu chứng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là gì?

2.1 Các nhóm cơ có gân bám lồi cầu ngoài xương cánh tay:

– Cơ duỗi chung ngón tay: giúp duỗi các ngón 2,3,4,5 ở các khớp bàn đốt, duỗi cổ tay, hỗ trợ duỗi khuỷu tay.

– Cơ duỗi cổ tay trụ: làm động tác duỗi cổ tay, khép cổ tay cùng với cơ gấp cổ tay trụ.

– Cơ duỗi cổ tay quay ngắn: giúp duỗi và dạng vùng cổ tay.

– Cơ duỗi cổ tay quay dài: làm động tác duỗi, dạng cổ tay, hỗ trợ quay sấp bàn tay.

Đau do tổn thương một trong các gân cơ bám nơi mỏm lồi cầu ngoài xương cánh tay.

2.2 Nguyên nhân thường gặp:

– Căng cơ đột ngột và quá mức: nhóm gân cơ bị thương do sử dụng khuỷu tay quá mức hoặc động tác mạnh lặp đi lặp lại hàng ngày. Bệnh thường xảy ra ở nhưng người thường xuyên sử dụng lực từ nhóm cơ cẳng tay: thợ mộc, công nhân, nhân viên dắt xe, nội trợ, văn phòng,…Đặc biệt bệnh cũng thường ra ở người thường xuyên chơi Tennis nên đôi lúc còn được gọi là hội chứng Tennis elbow.

– Tuổi tác: Độ tuổi thường gặp từ 30-50 do thoái hoá xương bắt đầu tiến triển, tuy nhiên ai cũng có thể bị.

2.3 Triệu chứng

– Đau là triệu chứng thường gặp nhất. Bệnh nhân đau cấp tại vùng khuỷu tay, sau đó có thể lan dọc mặt ngoài cẳng tay đến bàn tay. Đau tăng khi làm các động tác đối kháng ở tư thế duỗi cổ tay và ngửa bàn tay.  

– Tê: Nặng hơn, bệnh nhân bắt đầu tê vùng cẳng- bàn tay và khó khăn trong việc cầm nắm vật dụng. Bệnh đau nhiều hơn khi làm các động tác vắt khăn, xách nước, cầm ly nước,..

3. Phục hồi chức năng viêm lồi cầu ngoài cánh tay như thế nào?

3.1 Vật lí trị liệu:

– Sóng ngắn: tạo ra nhiệt sâu, giúp giảm sưng nề và máu tụ sau chấn thương. Ngoài ra sóng ngắn giúp tăng dinh dưỡng tổ chức tại chỗ.

– Laser: giúp bình thường hoá quá trình chuyển hoá năng lượng (tổng hợp ATP, kích thích bơm ion), cải thiện tính thấm màng tế bào. Laser giúp tăng hoạt tính và chỉ số thực bào của bạch cầu, kích thích tái tạo tổ chức, nhanh làm lành vết thương.

– Điện phân: thay đổi thẩm thấu màng tế bào, giảm tính acid trong mô nhằm giảm nhanh phù nề, sưng tấy. Điện phân dẫn thuốc giúp phục hồi và giảm đau hiệu quả.

– Siêu âm: sử dụng sóng siêu âm (sóng dọc) giúp giảm đau cục bộ, giẫn cơ, xử lý viêm nhanh chóng.

– Điện xung: giúp giảm đau do ức chế truyền cảm giác đau lên não, phóng thích morphin nội sinh, kích thích thần kinh cơ và các thần kinh ngoại vi.

– Châm cứu: bệnh gây ra các điểm đau còn gọi là a thị huyệt. Châm vào các điểm a thị huyệt giúp khai thông huyết ứ, giúp giảm đau và phục hồi tổn thương.

3.2 Chế độ sinh hoạt:

– Nghỉ ngơi: Hạn chế vận động khuỷu tay trong giai đoạn cấp bằng các nẹp điều chỉnh, nẹp cổ định khuỷu tay.

– Tập luyện: Đối với bệnh nhân đau mỏi mạn tính, có thể thực hiện các động tác như sau:

  • Kéo giãn nhóm cơ duỗi cổ tay:

Tư thế ngồi hoặc đứng, duỗi thẳng khuỷu tay với cẳng tay sấp, cổ tay gập 90 độ. Sau đó dùng tay còn lại nắm phần mu bàn tay của tay bệnh, kéo nhẹ tăng dần về phía sau cho cảm thấy căng các cơ duỗi cẳng tay, giữ 5-10 giây. Thực hiện 10-15 lần, làm 2 lần/ ngày.

  • Kéo giãn nhóm cơ gấp cổ tay:

Tư thế ngồi hoặc đứng, duỗi thẳng khuỷu tay bệnh với cẳng sấp, cổ tay duỗi 90o, dùng tay còn lại nắm mặt lòng bàn tay của tay bệnh, kéo lực nhẹ tăng dần về phía đến khi cảm thấy căng các cơ duỗi ở cẳng tay, giữ 5-10 giây. Thực hiện 10-15 lần, 2 lần/ ngày.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là một bệnh lý gân cơ phổ biến vùng cẳng tay. Bệnh do tổn thương cấu trúc quanh lồi cầu ngoài xương cánh tay. Có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả trong đó phục hồi chức năng giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng do bệnh gây ra. Điều trị viêm lồi cầu ngoài nên có sự tham vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Bạn có thể đặt lịch khám tại chuyên khoa PHCN phòng khám Vĩnh Đức để được tư vấn và điều trị.

Bác sĩ

Nguyễn Thị Thiên Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *