PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỔN THƯƠNG THẦN KINH TRỤ

Dây thần kinh trụ giúp vận động gấp các ngón bàn tay và cảm giác các ngón tay. Khi bị tổn thương ở bất kì điểm nào trên đường đi thần kinh đều dẫn đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Các triệu chứng thường gặp như teo cơ, khó cầm nắm, mất cảm giác ngón tay út, mô út, ½ ngón nhẫn. Bệnh có thể để lại di chứng không hồi phục nếu người bệnh không tích cực điều trị. Phục hồi chức năng giúp bảo tồn và cải thiện chức năng vận động tùy theo từng mức độ tổn thương của bệnh.

1. Thần kinh trụ là gì?

  • Thần kinh trụ xuất phát từ bó trong của đám rối thần kinh cánh tay, đến rãnh ròng rọc ở khuỷu, đi ở vùng cẳng tay đến xương đậu tại cổ tay rồi chi phối đến các ngón bàn tay.
  • Thần kinh trụ chi phối vận động cho các cơ gấp cổ tay trụ, cơ gấp chung các ngón sâu, các cơ ô mô út, cơ gian cốt mu tay, cơ giun 3-4 và cơ khép ngón cái.
  • Thần kinh trụ giúp làm các động tác nghiêng cổ bàn tay, vận động các ngón tay, đặc biệt các ngón 3, 4,5. Đồng thời, TK chi phối cảm giác cho mặt lưng cổ tay, bàn tay, cạnh trong bàn tay, ngón 5 và mặt trong ngón 4.

2. Nguyên nhân, triệu chứng gây tổn thương thần kinh trụ?

2.1 Nguyên nhân:

  • Nguyên nhân gây ra tổn thương thần kinh trụ thường do bất thường cấu trúc giải phẫu, gãy xương cũ hoặc mới, các bệnh lý khớp viêm tại vùng khuỷu dẫn đến thần kinh trụ bị chèn ép. Ngoài ra các nguyên nhân liên quan sinh hoạt như tư thế gấp khuỷu trong thời gian dài.
Tổn thương dây thần kinh trụ

2.2 Triệu chứng:

– Dấu hiệu bàn tay vuốt: BN teo các cơ gian cốt và cơ giun bàn tay, cơ duỗi khớp bàn ngón và gấp các khớp liên đốt tạo tư thế vuột, rõ rệt ở ngón 4,5.

– Các ngón tay hơi dạng ra, ô mô út teo nhỏ, bẹt xuống, khe gian cốt lõm xuống để lộ rõ xương bàn tay.

– Người bệnh không nắm hết được bàn tay, bị hở các ngón 3,4,5; không kẹp được tờ giấy giữa ngón cái và ngón trỏ mà phải cần hỗ trợ từ các đốt ngón khác. Ngoài ra, các triệu chứng của yếu cơ khác như mất động tác dạng khép các ngón, khép ngón cái, gấp các đốt xa các ngón 4-5.

– Giảm cảm giác ngón tay út, mô út và ½ ngón nhẫn thường gặp.  

3. Phục hồi chức năng tổn thương thần kinh trụ như thế nào?

Tổn thương thần kinh trụ có 3 mức độ, trong đó PHCN tham gia bảo tồn trong giai đoạn 1,2 và phục hồi sau phẫu thuật ở giai đoạn 3.

3.1 Giai đoạn cấp:

Bất động chi tổn thương, mang máng thần kinh trụ, vận động với tần suất và cường độ phụ thuộc tình trạng tổn thương và phương pháp phẫu thuật.

– Nhiệt lạnh: Giảm sưng nề cục bộ, cải thiện đau do tình trạng viêm giai đoạn cấp tính.

– Laser: giúp tăng hoạt tính và chỉ số thực bào của bạch cầu, kích thích tái tạo tổ chức, tăng tốc độ kháng viêm.  

– Điện phân: thay đổi thẩm thấu màng tế bào, giảm tính acid trong mô nhằm giảm nhanh phù nề, sưng tấy. Điện phân dẫn thuốc giúp phục hồi và giảm đau hiệu quả.

– Siêu âm: sử dụng sóng siêu âm (sóng dọc) giúp giảm đau cục bộ, giãn cơ, tăng trao đổi chất tại khớp.

– Điện xung: giúp giảm đau do ức chế truyền cảm giác đau lên não, phóng thích morphin nội sinh, kích thích thần kinh cơ và các thần kinh ngoại vi.

– Vận động trị liệu: kỹ thuật xoa bóp, di động khớp, mô mềm, bài tập chủ động, thụ động,… giúp duy trì tầm vận động và độ đàn hồi cấu trúc quanh khớp.

3.2 Giai đoạn hồi phục:
– Tăng cường tập vận động, rèn luyện cảm giác bằng cách tiếp xúc với nhiều chất liệu khác nhau và học cách nhận biết đồ vật khi sờ.

Tổn thương thần kinh trụ

3.3 Giai đoạn mãn tính: kết hợp dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp sinh hoạt hàng ngày.

Tổn thương thần kinh trụ ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tổn thương được chia làm 3 mức độ và phục hồi chức năng tham gia vào cả 3 mức độ bệnh. Bệnh có thể gây teo cơ, giảm cảm giác, giảm vận động các ngón tay. Người bệnh nên đi khám và kiểm tra sớm khi phát hiện có một trong các triệu chứng như trên để kịp thời điều trị. Bạn có thể đặt lịch khám tại chuyên khoa Phục hồi chức năng của Phòng khám Vĩnh Đức để được tư vấn và điều trị.